Nếu chùa Tây An sặc sỡ, nguy nga, Miếu Bà đồ sộ, hoành tráng, chùa Hang tao nhã, phiêu diêu thì lăng Thoại Ngọc Hầu ung dung, đường bệ với những đặc điểm: Mặt nhìn ra con đường nằm bên chân núi, lưng quay về vách đá, tọa lạc trên thềm cao với 9 bậc thang xây bằng đá ong. Một loại đá phải vận chuyển bằng ghe chèo từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kinh Vĩnh Tế về núi Sam. Chỗ ghe neo lại để lên đá còn mang địa danh Bến Vựa, Nhà Neo đến bây giờ. Lăng xây bằng hồ ô đước (thời đó chưa có xi-măng). Bao bọc quanh khu mộ là bức tường dày cả mét, cao hơn đầu người, đã nhuốm rêu phong. Phía trước có hai cửa lớn theo kiểu kiến trúc của các lăng tẩm xưa, hai bên có hai hàng liễn đối. Phía sau là bậc thang đi lên đền thờ được xây trên nền cao. Trong đền thờ có bài vị của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân, có áo mão cân đai của ông được phục chế và nhiều nghi thờ với các bộ lư đồng. Mặt tiền lăng là khoảng sân rộng nổi bật cái long đình trong có bản sao bia Thoại Sơn. Trước long đình là khẩu súng thần công, bảng xếp hạng di tích và hai con nai bằng xi-măng, tôn thêm vẻ đẹp cho lăng. Trong lăng, chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu, ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm Tân Tỵ (1761) tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thời kỳ loạn lạc theo gia đình vào Nam cư trú tại cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, nay là tỉnh Vĩnh Long. Dưới triều Nguyễn ông được cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long và một phần Kiên Giang). Ông đã có công lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh lắp đường phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam . Các công trình lớn của ông để lại cho đời sau là: - Đắp lộ núi Sam – Châu Đốc dài 5 cây số trong năm 1826 – 1827, huy động gần 4.500 nhân công. Đoạn nằm trong nội ô thị xã Châu Đốc hiện nay vẫn còn mang tên ông: Nguyễn Văn Thoại. - Đào kinh Thoại Hà dài hơn 30.000 mét ở núi Sập (Thoại Sơn) vào năm 1818 với khoảng gần 1.500 nhân công (Thoại là tên ông được triều đình lấy đặt cho tên núi, tên sông). - Đào kinh Vĩnh Tế dài theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc – Hà Tiên nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan, dài hơn 90 cây số, huy động trên 80.000 nhân công thực hiện từ 1819 đến 1824. Tên phu nhân Thoại Ngọc Hầu được đặt cho con kinh chiến lược này: Vĩnh Tế (bà tên thật là Châu Thị Tế nhưng thuộc dòng Châu Vĩnh, cha là Châu Vĩnh Huy). Bên phải mộ ông là mộ bà vợ chính Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế, mất năm Bính Tuất (1826). Bên trái có ngôi mộ khiêm nhường hơn là của bà vợ thứ Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt, mất năm Tân Tỵ (1821). Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký. Ở bức tường phía trước mộ đặt bia đá Vĩnh Tế Sơn. Thoại Ngọc Hầu mất năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Qua vị trí các ngôi mộ và năm mất của ông và hai bà vợ, ta có thể biết chắc rằng khu lăng mộ này được xây dựng theo ý ông, bởi ông mất sau hai bà. Trong mộ lăng còn có 14 ngôi mộ và ngoại vi lăng cũng có khoảng 50 ngôi mộ xây với nhiều hình thức khác nhau: voi phục, trái đào, cái nón… đây là những ngôi mộ vô danh của các cận thần, thân tộc và những người có công đã chết trong cuộc đào kinh Vĩnh Tế gọi là Nghĩa trủng (đến nay còn lưu truyền bài tế Nghĩa trủng văn đọc rất lâm li, bi tráng). Tương truyền hai ngôi mộ có hình trái đào và cái nón là của cặp đào kép chánh trong đoàn hát bộ theo biểu diễn cho ông xem khi còn sống. Ngoài những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn và các văn bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn, còn có bia “Châu Đốc tân lộ kiều lương” dựng tại núi Sam năm 1828 nhằm kỉ niệm ngày hoàn thành con lộ Châu Đốc – núi Sam, ngày nay không còn nữa nhưng văn bia vẫn còn ghi trong sử sách.
Miếu Bà Chúa xứ là một di tích nổi tiếng ở Núi Sam, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung… tạo nên một mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng.
Miếu Bà có từ bao giờ? Đến nay chưa có sử liệu nào ghi lại một cách chính xác. Trong dân gian tương truyền rằng: Cách đây gần 200 năm, núi Sam còn hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, giặc biên giới thường sang khuấy nhiễu.
Một hôm, có một toán giặc Xiêm leo lên núi Sam phát hiện được pho tượng cổ bằng đá rất đẹp. Động lòng tham, chúng xeo nại, tìm cách khiêng đi nhưng không thể nào xê dịch được. Sau hàng giờ vất vả với pho tượng, chúng tức giận đập phá làm gãy cánh tay trái pho tượng.
Sau khi chúng bỏ đi, trong làng có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư, tự xưng là Chúa xứ thánh mẫu, nói với các bô lão: “Tượng bà đang ngự trên núi, bị giặc Xiêm phá hại, dân làng hãy đưa Bà xuống”. Dân làng kéo nhau lên núi, quả thật tượng Bà đang ngự gần trên đỉnh. Họ xúm nhau khiêng tượng xuống làng nhằm mục đích để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, các lão làng tính kế để đưa tượng đi, nhưng không làm sao nhấc lên được dù pho tượng không phải là quá lớn, quá nặng.
Các cụ bàn nhau chắc là chưa trúng ý Bà nên cử người cầu khấn. Quả nhiên bé gái hôm nọ lại được Bà đạp đồng mách bảo: “Hãy chọn chín cô gái đồng trinh để đem Bà xuống núi”.
Dân làng mừng rỡ tuyển chọn chín cô gái dẫn lên núi, xin phép Bà được đưa cốt tượng xuống. Lạ thay, chín cô gái khiêng bà đi một cách nhẹ nhàng.
Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, các cô phải đặt xuống đất và không nhấc lên nổi nữa. Dân làng hiểu rằng Bà muốn ngự nơi đây nên tổ chức xin keo, được Bà chấp thuận và lập Miếu thờ. Hôm đó là ngày 25 tháng 4 âm lịch, dân làng lấy ngày này làm lễ vía Bà.
Lúc đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Sau nhiều lần trùng tu, miếu Bà khang trang hơn. Năm 1870, miếu được xây lại bằng đá miểng và lợp ngói, thu hút khách thập phương đến chiêm bái, tín ngưỡng.
Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Mái cong nhiều tầng lợp ngói xanh, tường ốp gạch men bóng láng nhập từ nước ngoài, các khung cửa bằng gỗ quí được chạm trổ hoa văn công phu, mỹ thuật. Chánh điện cao rộng, thoáng khí, vừ uy nghi vừa ấm cúng. Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy đông lang, tây lang, nhà khách…bao bọc xung quanh cũng với kiến trúc mái cong, lợp ngói xanh, theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại. Trường học được cải tạo thành nhà trưng bày đồ sộ, hài hòa với miếu.
Tượng Bà đặt giữa chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng, kim tuyến lấp lánh. Khách hành hương đã dâng cúng cho Bà hàng ngàn áo mão, không sử dụng hết, có cái được may từ nước ngoài trị giá vài cây vàng.
Tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6. Dáng người ngồi nghĩ ngợi, khoan thai, thuộc loại tượng thần Vít-nu, có nhiều ở Ấn Độ, Lào, Campuchia. Trước kia có nhiều hình thức cúng bái mê tín như xin xăm, xin bùa, uống nước tắm Bà để trị bệnh… Ngày nay, những hủ tục đó không còn nữa. Đa số khách đến viếng thăm để dâng hương cầu tài, cầu lộc, thể hiện lòng tạ ơn Bà bằng nhiều hình thức: Cúng heo quay, cúng tiền, lễ vật lưu niệm hoặc các tiện nghi phục vụ cho miếu. Các vật lưu niệm ngày nay quá nhiều, Ban Quản trị đưa vào khu nhà lưu niệm để trưng bày. Tiền hỉ cúng hàng năm lên tới vài tỉ đồng (trong đó có vàng, đô-la). Nguồn tài chánh này ngoài việc trùng tu, xây dựng lăng, miếu còn góp phần vào nhiều công trình thủy lợi xã hội địa phương như làm đường, xây trường học, bệnh xá, đóng góp quỹ từ thiện, khuyến học…
Các lễ cúng ở miếu Bà vẫn được duy trì theo nghi thức cổ truyền. Vào lúc nửa đêm 23 rạng 24 tháng tư âm lịch, lễ tắm Bà được tiến hành khoảng hơn một giờ đồng hồ nhằm lau sạch bụi bặm sau một năm dài. Lễ được chuẩn bị từ lúc 23 giờ 30 và bắt đầu lúc 0 giờ. Các vị bô lão trong lễ phục áo dài khăn đóng lên đèn, niệm hương, dâng rượng, dâng trà… Xong phần nghi thức, khoảng 4 đến 5 phụ nữ đứng tuổi, có uy tín trong làng tiến hành việc tắm Bà. Sau khi cởi áo mão, các vị dùng nước sạch có ngâm hoa lài tỏa mùi thơm ngào ngạt để lau cốt tượng. Xong, xịt nước hoa rồi mặc áo mão mới cho Bà. Mặc dù công việc được thực hiện sau bức màn che nhưng có hàng ngàn người chen chúc nhau đến chứng kiến ngoài vòng rào chánh điện.
Lễ túc yết và lễ xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng 26 tháng 4 âm lịch, đây là cuộc lễ chính trong lễ hội vía Bà. Từ đầu hôm, hàng chục ngàn người đã tụ về miếu Bà để được tham dự cuộc hành lễ này. Trước đó, hồi 15giờ cuộc lễ thỉnh sắc thần được tiến hành trọng thể trong tiếng trống lân rộn rã. Các bô lão và thanh niên trong lễ phục, xếp hai hàng dưới bóng cờ, lộng sặc sỡ, hộ tống long đình rước bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân từ lăng về miếu.
Đúng 0 giờ, cuộc lễ túc yết bái bắt đầu với sự điều khiển của chánh bái và bốn đào thầy. Lễ vật dâng cúng là một con heo trắng đã cạo mổ xong và một dĩa mao huyết tượng trưng cho con heo sống cùng với các mâm xôi, ngũ quả… trong tiếng nhạc lễ và chiêng trống trỗi lên từng hồi, ông chánh bái và các đào thày dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, dâng trà. Lễ xây chầu được nối tiếp khi ông chánh bái cầm nhành dương vãi nước và đọc: “Nhất xái thiên thanh, nhị xái địa ninh, tam xái nhơn đường, tứ xái quỉ diệt hình” (có nghĩa là thứ nhất vãi lên trên trời xanh mong điều cao đẹp, thứ hai vãi xuống đất cho được màu mỡ, trúng mùa, thứ ba vãi loài người được trường thọ, thứ tư vãi diệt loài quỉ dữ). Xong, chánh bái ca công nổi trống ba hồi. Đoàn hát bộ trên sân khấu trong võ ca trước chánh điện đã chuẩn bị sẵn, nổi trống theo và kéo màn trình diễn.
Đến 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 âm lich, lễ chánh tế được tiến hành như lễ túc yết nhưng đơn giản hơn. Và 15 giờ cùng ngày đoàn thỉnh sắc làm lễ hồi sắc, đưa bài vị ông Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân trở về lăng, kết thúc một mùa vía.
Từ Châu Đốc đi vào núi Sam đến ngã ba Đầu Bờ ta thấy một ngôi chùa sừng sững hiện ra bên chân núi, đó là Tây An tự. Ngôi chùa nguy nga với ba ngôi lầu nóc tròn hình củ hành theo kiểu kiến trúc Ấn Hồi, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa, đẹp mắt, nổi bật trên vách núi xanh thẫm. Ngôi giữa là chánh điện thờ Phật, hai bên là lầu chuông và lầu trống. Chùa tọa lạc trên thềm cao thoáng rộng. Đi qua một công viên nhỏ, bước lên bậc thềm ta gặp ngay tượng người mẹ bồng con miêu tả tích xưa Quan âm Thị Kính. Trước sân chùa có hai con voi bằng xi-măng lớn như voi thật, con trắng sáu ngà, con đen hai ngà. Đông lang ở phía phải là chùa Địa Tạng thờ Địa Tạng Vương bồ tát theo kinh Địa Tạng. Tây lang là nhà khói rộng rãi trên nền đất cao, phía trước đặt hai tượng Quan âm. Bước lên bậc thềm cao vào chùa, các tượng Phật, Bồ tát, thánh tiên… được sơn thếp mỹ thuật, mỗi người mỗi vẻ, thờ kính trang nghiêm. Không khí yên tĩnh, khói hương nghi ngút. Ở chánh điện thờ Phật theo dòng thiền Lâm tế, ngoài tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa, còn có các tượng: Di Đà, Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí… và các vị Bồ tát. Hai bên về phía trước là các vị La hán, Bát bộ kim cang, Tam hoàng ngũ đế… Phía sau thờ các vị sư trụ trì chùa Tây An, tượng tạc bằng gỗ uy nghiêm, hiền triết. Đặc biệt, tượng Hòa thượng Thích Bửu Thọ, người có công lớn trong việc trùng tu chùa, được tạc sinh động như người thật, tay cầm gậy, ngồi bên bàn viết, cốt cách siêu phàm. Riêng Pháp Tạng thiền sư, người khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được dân trong vùng tôn xưng là Phật thầy Tây An, không để lại hình ảnh. Ông tên thật là Đoàn Minh Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807), quê quán làng Tòng Sơn, Sa Đéc, xưa thuộc trấn Vĩnh Thanh, nay là tỉnh Đồng Tháp. Là một chí sĩ yêu nước, có tinh thần cách mạng, bất mãn triều đình phong kiến, thường ra tay cứu độ dân lành nên bị quân lính nghi là gian đạo sĩ. Ông đến chùa Tây An trong thời kỳ Thiền sư Hải Tịnh Nguyễn Văn Giác trụ trì (đời thứ nhất) và được ngài Hải Tịnh thu nhận. Mặc dù mất sớm, nhưng đức Phật thầy Tây An đã làm được rất nhiều việc như chu du vùng Bảy Núi thành lập nhiều trại ruộng để khẩn hoang sản xuất và trở thành căn cứ chống quân Pháp xâm lược. Quản cơ Trần Văn Thành, một đại đệ tử của ông đã khởi nghĩa ở Láng Linh, hùng cứ Bảy Thưa một thời làm giặc Pháp khiếp sợ. Ngoài ra, ông còn nhiều đệ tử nổi tiếng khác như: Ông Tăng Chủ, ông Đình Tây, Đạo Xuyến, Đạo Ngoạn, Đạo Lập… Phật thầy Tây An viên tịch ngày 12 tháng 8 năm 1856, thọ 50 tuổi. Ông đến chùa Tây An sau ngày Hải Tịnh (1788 – 1875) và viên tích trước nhưng đã có công hoằng hóa rất lớn. Ông đã dặn dò đệ tử là sau khi mất chôn xác không được đắp nấm. Nhưng để gìn giữ ngôi mộ và để người đời sau dễ dàng chiêm bái, các đệ tử xây vòng rào và lập một miếu thờ khang trang. Ngôi mộ nằm phía sau chùa, chếch lên triền núi, dưới tàn cây râm mát. Bên hông chùa là dãy bảo tháp của các vị sư trụ trì được xây dựng tôn nghiêm, cổ kính. Theo tài liệu truyền lại, các vị sư trụ trì chùa Tây An theo thứ tự là: Hải Tịnh (Nguyễn Văn Giác), Hoàng Ân (Nguyễn Nhứt Thừa), Huệ Quang (Nguyễn Trang Nghiêm), Thuần Hậu (Huỳnh Văn Đắc), Thiện Pháp (Ngô Văn Hòa), Thích Bửu Thọ (Nguyễn Thế Mật), Huệ Châu (Hồ Thạch Hùng), Định Long (Phạm Văn Trực), Huệ Kỉnh (Trần Văn Cung). Chùa Tây An do Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn (tên thật là Doãn Ôn) xây dựng năm 1847. Qua nhiều đợt trùng tu, chùa trở thành một kiến trúc độc đáo của khu vực núi Sam, đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng.